Chữ Quốc Ngữ – Cái Nôi tại Nước Mặn xưa – Xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Quy Nhơn ngày nay.
Các thừa sai Dòng Tên đã đặt chân đến Nước Mặn để truyền đạo Công giáo vào Việt Nam. Việc truyền giáo chỉ thuận lợi khi có thể sử dụng sách Kinh Thánh để học giáo lý. Ngôn ngữ là rào cản bắt buộc phải xóa bỏ. Vì vậy các linh mục đã ở lại Nước Mặn, nơi cư trú của các ngài tại cư sở của gia đình ông Võ Cự Anh ngày nay, tại đây họ sống tiếp xúc với người dân địa phương để học tiếng Việt và ghi âm lại tiếng Việt bằng chữ cái Latin. Việc ở lại dưới sự cho phép và bảo lãnh của quan Khâm sứ Quy NhơnTrần Đức Hòa. Có thể gọi ông Khâm sứ Trần Đức Hòa là bà đỡ của Chữ Quốc Ngữ Việt Nam, và là lý do Chữ quốc Ngữ Việt Nam ra đời tại Nước Mặn xưa. Nước Mặn tên địa danh gắn liền với Cảng Thị Nước Mặn nổi tiếng đồng thời với cảng thị Hội An . Nơi này đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia của Việt Nam.
***
Hàng năm, các thừa sai phải viết báo cáo gửi về Roma cho các Cha bề trên – Đó là một truyền thống tốt đẹp quý báu để lưu trữ cho người đời sau những tài liệu, kinh nghiệm quý giá và lịch sử của giáo hội, kể cả kinh nghiệm về nội dung viết báo cáo, một bảng chỉ dẫn được đúc kết và ra đời thường gọi là chỉ dẫn của các thừa sai khi đảm trách việc truyền giáo:
” Cha phải thu thập những thông tin về các dân tộc sống trên mọi đất nước mà cha đã đi qua, muốn như thế, cha phải ghi lại về lối sống, phong tục và kỹ năng của họ; rồi về thương mại, nghệ thuật và khoa học mà cha tìm thấy nơi quê hương của họ; về tôn giáo cùng các tín điều; về các chức sắc trong tôn giáo ấy , về chính quyền; và cuối cùng về các vua chúa mà họ thuộc quyền. Cha tìm hiểu ngôn ngữ mà các dân tộc ấy dùng để nói; nếu có nhiều ngôn ngữ, thì hãy đặc biệt ghi lại ngôn ngữ nào được sử dụng nhiều nhất, chủ yếu là trong giới bình dân. Cha tìm hiểu chữ mà họ dùng để viết; về các chữ này, cha tìm cách hỏi những văn sĩ ưu tú mà cha gặp được, để ghi lại bảng chữ cái, kể cả những dấu nối và dấu phân câu mà họ dùng’ Cha cũng chú ý ghi lại bằng mẫu tự Latin tương ứng với cách phát âm, để ta có thể so sánh; và nếu các dân tộc ấy có văn phạm và từ điển của ngôn ngữ mình, thì cha làm thế nào để có được một bản gửi về Roma, với điều kiện là giá cả không quá cao”.
Đây là nội dung của chỉ dẫn đã được các thừa sai thực hiện ở Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam trước khi chỉ dẫn thành văn ra đời.
Bản báo cáo thường niên năm 1618 chứng minh rằng các thừa sai Dòng Tên đã biên soạn một cuốn sách giáo lý bằng tiếng Việt ( Chữ Nôm ).
Báo cáo thường niên 1619 cho thấy: ” Các thừa sai Dòng Tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ hơn bất cứ điều gì khác”.
- Linh mục Francisco de Pina người Bồ Đào Nha là giáo sĩ đầu tiên thông thông tiếng Việt. Điều này được xác nhận bởi các giáo sĩ: Gaspar Luiz, và Alexandre de Rhodes.
- Trong thư của linh mục Joao Roiz viết bằng tiếng Bồ Đào Nha vào năm 1621 tại Macao gửi linh mục bề trên dòng tại Roma là Mutio Vitelleschi, linh mục Joao xác nhận có hai thừa sai nói thông thạo tiếng Việt đó là Pina và Borri.
- Cùng trong năm 1621, linh mục Gaspar luiz viết thư báo cáo về đoàn truyền giáo Đàng Trong gửi cho linh mục bề trên Mutio Vitelleschi. Nội dung không khác mấy so với nội dung báo cáo của linh mục Joao Roiz. Tuy nhiên linh mục Luiz viết bằng tiếng Latin:” Chúng con bắt đầu nhận được hoa trái mà chúng con hi vọng về việc hiểu được ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ mà chúng con đã tự tìm hiểu từ những năm trước”.
- Giải thích cho câu này
Trên đây là các chứng cứ bằng văn bản xác định chữ Quốc Ngữ Việt Nam ra đời từ Nước Mặn, (Tuy Phước Bình Định ngày nay), nhiều người trước kia nhầm tưởng, Chữ Quốc ngữ Việt Nam ra đời tại Thanh Chiêm, Quảng Nam.
Cuộc Hội Thảo ” Bình Định Với Chữ Quốc Ngữ “ được tổ chức vào ngày 13 tháng 01 năm 2016, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định của UBND tỉnh Bình Định với Hội Khoa Học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Ngôn ngữ Việt Nam đã làm sáng tỏ một số nhận định trên và công bố được nhiều tư liệu mới.
Trong lời giới thiệu tập Kỉ yếu Hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết: “… Đặc biệt trong hành trình chữ viết của tiếng Việt, từ chữ Nôm đến chữ viết theo mẫu tự Latin ( chữa Quốc ngữ ), có sự đóng góp không nhỏ của đất và người Bình Định. Đó là việc Vua Quang Trung chính thống hóa chữ Nôm trong các văn bản nhà nước. Đó là việc quan Trấn phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa , các văn nhân tại Nước Mặn ( Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định ngày nay ) cùng các giáo sĩ phương Tây sáng tạo, phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỉ thứ XVII; Nhà in Lòng Sông – Quy Nhơn là nơi phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ của thế kỉ XĨ – đầu thế kỉ XX…”
Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ trị cuộc hội thảo quan trọng này đã phát biểu tổn kết như sau: ” … Trên cơ sở những chứng cứ hiện nay, có thể kết luận, chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai ra đời từ rất sớm ở ba trung tâm: Nước Mặn, Hội An, và Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn. Đó là ba dòng suối sớm nhất tạo nên nguồn dòng sông chữ Quốc ngữ. Đây là những cái nôi của chữ Quốc ngữ với những chứng cứ về người viết và dấu ấn văn hóa rõ ràng.
Giáo sư Phan Huy Lê có ý kiến đề xuất thành phố Quy Nhơn nên có một tượng đài hay tấm bia ghi lại vị trí của Cảng Thị Nước Mặn và những giáo sĩ đã có công sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ tại đây.
PS: Bài viết lại từ việc sưu tầm tài liệu và đàm đạo của CEO Golden Life Travel Bà. Nguyễn Thị Xuân Lan với Linh mục Gioan Võ Đình Đệ và NNC Nguyễn Thanh Quang, Bình Định