Triều Đại Tây Sơn được hình thành từ thành công của cuộc khởi nghĩa phong trào nông dân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của các tướng lĩnh Tây Sơn, tiêu biểu là ba anh em người anh hùng áo vải Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ – Nguyễn Lữ cuối thế kỉ XVIII.
Đến Bình Định, du khách nhất định ghé thăm Bảo Tàng Quang Trung – Đây là Bảo tàng Danh nhân lớn nhất Việt Nam, được xếp hạng Di tích Quốc gia cấp đặc biệt.
Du khách hãy thắp nén nhang tưởng nhớ các lãnh tụ Tây Sơn, văn quan võ tướng Nhà Tây Sơn tại Đền Tây Sơn Tam Kiệt – Nét đẹp tín ngưỡng nhân gian của nhân dân trong vùng và cả nước về lòng biết ơn với tiền nhân đã công dẹp giặc, thống nhất đất nước sau hơn 200 năm Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Bình Định miền đất Nam Trung có bề dày lịch sử với nền văn hóa Sa Huỳnh, xuất hiện cách đây khoảng 3.000 năm, cùng với văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ, văn hóa Óc Eo ở Nam bộ hình thành nên 3 cái nôi văn hóa cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam.
Bình Định còn nổi danh với tinh thần thượng võ của người Bình Định, nét đẹp oai hùng gắn liền với khí chất của con dân Miền Đất Võ.
Tại trung tâm thành phố biển Quy Nhơn, chính giữa quảng trường trung tâm, trước nhà hát Quang Trung là tượng đài Hoàng Đế Quang Trung uy nghiêm lẫm liệt trên lưng chiến mã. Hình tượng người anh hùng kiệt xuất thao lược dụng binh 100 trận 100 thắng, làm nên những chiến tích lẫy lừng trong lịch sử dân tộc, luôn là niềm tự hào của quê hương Bình Định và Việt Nam.
Thế kỉ XVIII đất nước hoang tàn, đau thương tang tóc của cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài đằng đẳng, vào Năm 1771 ở Tây Sơn Bình Định, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi binh, lập căn cứ chống chính quyền Chúa Nguyễn, được nhân dân trong vùng suy tôn là Tây Sơn Tam Kiệt.
Tương truyền Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đều rất giỏi võ nghệ, có tài thao lược dụng binh, nên khi phất cờ khởi nghĩa đã thu hút được rất nhiều nhân tài như Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Thung, Trương Mỹ Ngọc.
Vì vậy, ngay từ những ngày đầu, Tây Sơn đã dành được nhiều thắng lợi vang dội. Nguyễn Huệ đã khẳng định tài cầm quân giúp nhà Tây Sơn giành được chính quyền, lập nên triều đại Tây Sơn, triều đại đầu tiên từ hình thành của cuộc khởi nghĩa nông dân với quy mô phát triển.
Cùng Golden Life Travel về thăm Bảo Tàng Quang Trung và Điện Thờ Tây Sơn Tam Kiệt – được xây dựng trên chính nền nhà cũ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Đây là bảo tàng danh nhân quy mô lớn nhất cả nước, thu hút đông đảo du khách tới tham quan và hành lễ.
Hàng năm, cứ vào những ngày đầu xuân mới, mùng 5 Tết Nguyên Đán, kỉ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, những ngày giỗ của Tây Sơn Tam Kiệt, những dịp đại lễ của tỉnh Bình Định, Bảo Tàng Quang Trung lại đón hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước dâng hương dâng hoa trước tượng đài Hoàng Đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và dâng hương tại điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt.
Không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật quý giá, quan trọng liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng Đế quang Trung – Nguyễn Huệ, Bảo Tàng Quang Trung còn mang ý nghĩa một bảo tàng tâm linh.
Khi nhà Tây sơn sụp đổ triều đình nhà Nguyễn ( Nguyễn Ánh ) đã tìm cách truy quét trả thù tàn bạo với bất cứ ai có liên quan đến vương triều Tây Sơn, nhưng ngay chính trên miền đất này, người dân Kiên Mĩ đã lập đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt và gọi tên là Đình Kiên Mĩ hàng năm tổ chức lễ hội hai lần vào ngày đăng quang của Vua Quang Trung và ngày chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa nhưng gọi là lễ hội Cúng cơm mới để che mắt nhà Nguyễn. Cứ như vậy trong suốt 143 năm Nhà Nguyễn trị vì cho đến hôm nay ngôi đền vẫn nghi ngút khói hương được thắp lên bởi tấm lòng tôn kính của nhân dân tưởng nhớ những người anh hùng áo vải làm rạng danh quê hương.
Qua những bức tượng, phù điêu, họa phẩm và những di vật được lưu giữ tại bảo tàng, du khách thêm hiểu về cuộc đời và những chiến công oanh liệt của Tây Sơn Tam kiệt, đặc biệt của Hoàng Đế Quang Trung.
Người thầy đầu tiên cả ba anh em thụ giáo là võ sư Trương Văn Hiến, được truyền dạy cả văn thư, võ công, binh giáp. Tiếp đó là được Đinh Công còn có tên gọi Ông Tràng một lão nhân giỏi võ nghệ và nổi tiếng ương ngạnh nhất vùng. Cả ba anh em nhanh chóng thành tài, thành thạo quyền thuật và nhiều môn trong Thập Bát Ban binh khí tự mình sáng tạo ra một số bài quyền, cũng như binh khí nổi tiếng. Nguyễn Huệ có Yến Phi Quyền, Nguyễn Lữ có Hùng Kê Quyền và cả ba anh em sáng tạo nên bài Độc Lư Thương truyền dạy cho binh sĩ.
Trong giai đoạn đầu khởi nghĩa, sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, có lúc nghĩa quân Tây Sơn gặp rất nhiều khó khăn” lưỡng đầu thọ địch “ khi đó Nguyễn Huệ đã nhanh chóng thể hiện được tài thao lược. Với chiến thắng Phú Yên, lập lại thế cân bằng ngăn ngừa quân Trịnh, đánh chiếm Quảng Nam mở rộng địa bàn, Những chiến dịch tấn công Gia Định của quân Tây Sơn đều là những chiến dịch lớn. Ngoại trừ lần đầu tiên do Nguyễn Lữ cầm quân đầu năm 1776, những chiến dịch sau đều có vai trò tham gia then chốt của Nguyễn Huệ. Đặc biệt trận đánh năm 1777, chỉ trong vòng 7 tháng Nguyễn Huệ đánh thắng và bắt được cả hai Chúa Nguyễn. Nhà Tây Sơn từ chỗ bị dồn về Quy Nhơn đã chủ động dành được không những vùng Nam Trung Bộ mà cả Nam Bộ.
Năm 1784 do Nguyễn Ánh cầu viện Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng và Chiêu Sương mang 2 vạn quân thủy và 300 chiến thuyền sang lấn chiếm nước ta, Vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đem quân vào chống giữ. Nguyễn Huệ đã bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch Gầm và Xoài Mút, đánh một trận lớn tiêu diệt gần như hoàn toàn 2 vạn thủy quân Xiêm chỉ trong vòng 1 ngày. Sau trận đánh này quân Xiêm khiếp đảm trước sức mạnh của Tây Sơn, sợ Tây Sơn hơn sợ cọp.
Cuối năm 1788 , Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế tại Núi Bân, Huế, lấy niên hiệu Quang Trung, và mang đại quân ra Bắc đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược. Chỉ trong 6 ngày đêm từ ngày 30 tháng chạp năm Mậu Thân đến Mùng 5 Tết Kỉ Dậu 1789, hơn 29 vạn quân Thanh đã bị tiêu diệt. Đây là chiến thắng vang dội nhất trong sự nghiệp cầm quân của Hoàng Đế Quang Trung.
Là vị Hoàng Đế lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam, suốt cả cuộc đời binh nghiệp chưa từng thất bại một trận nào, nhưng tuổi trời chỉ được 40 Hoàng Đế Quang Trung ra đi khi Đại nghiệp còn nhiều dang dở.
Đến Thăm Bảo Tàng Quang Trung, du khách không chỉ hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Tây Sơn Tam Kiệt, đặc biệt là cuộc đời của Hoàng Đế Quang Trung mà nhân dân vô cùng tín ngưỡng, du khách còn được thưởng thức nhạc võ Tây Sơn: Là di sản Phi Vật Thể Đặc sắc của người Bình Định.
Nhạc võ Tây Sơn do chính Nguyễn Huệ đưa vào trong khi ra trân, nhằm kích thích tinh thần, chí khí chiến đấu của binh sĩ trong luyện tập cũng như ngoài sa trường. Dàn nhạc võ Tây Sơn bao gồm 12 chiếc trống tượng trưng cho 12 con giáp được chia thành 3 hàng từ lớn đến nhỏ.
Nghệ thuật biểu diễn gọi là Song Thủ Đả Thập Nhị Cổ. Người biểu diễn dùng 2 dùi trống dài khoảng 30cm đánh bằng cả 2 đầu trên mặt trống lẫn tang trống. Mỗi bài trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi: Xuất trận – Xung Trận – Ca khúc khải hoàn. Đặc biệt không có hồi lui quân. Có lẽ bởi tinh thần quyết chiến quyết thắng khi ra trận: kiên quyết không chừa đường lui, mà trong sự nghiệp cầm quân của mình Hoàng Đế Quang Trung không một lần thất bại.
Một trong những nghệ nhân biểu diễn trống trận thành công nhất là bà Nguyễn Thị Thuận người làng Kiên Mĩ. Tương truyền bà là con cháu đời thứ 19 của Nhà Tây Sơn còn sót lại. Bà được truyền dạy đánh trống bởi thân sinh là cụ Nguyễn Đào.
Năm 1979 sau khi khánh thành Bảo Tàng Quang Trung, được sự chấp thuận của Sở văn hóa tỉnh Bình Định bảo tàng đã thành lập đội nhạc võ Tây sơn để phục vụ nhân dân và du khách trong và ngoài nước đến thăm quan bảo tàng. Kể từ đó đến nay bà Nguyễn Thị Thuận đã có hơn 30 năm tham gia biểu diễn đồng thời truyền dạy cho lớp trẻ để nhạc võ Tây Sơn không bị mai một.
Mỗi kì Liên Hoan Quốc tế Võ cổ truyền diễn ra tại Bình Định, du khách đến thăm quan Bảo tàng Quang Trung được thưởng thức nhạc võ Tây Sơn và nhiều màn trình diễn đặc sắc do các võ sư, võ sinh thuộc đội nhạc võ của Bảo tàng thể hiện.
Võ học Tây Sơn nằm ngoài các ban binh khí có Kì Võ. Thuở xưa trong các đạo quân đều có cờ hiệu. Thời Tây Sơn ngoài hiệu Kì của Vua Quang Trung có màu Vàng và đỏ ở vị trí trung quân . Tiền quân, tả quân, hữu quân đều có cờ hiệu riêng để phân biệt . Người cầm cờ phải chọn rất kĩ, là những tráng sĩ có sức mạnh dẻo dai và có đội quân bảo vệ cờ. Cờ hiệu sử dụng trong luyện binh và chiến đâu để ban phát hiệu lệnh từ các cấp chỉ huy. Kì võ chủ yếu sử dụng để biểu diễn. Kì võ giờ đã trở thành môn pháp rèn luyện sức khỏe và dùng nhiều trong trình diễn, tái hiện trận pháp trong các kì đại lễ.
Võ cổ truyền Bình Định bao gồm nhiều môn phái võ phát tích từ Bình Định. Một trong những binh khí nổi danh nhất được sử dụng phổ biến là cây roi, một số người gọi là côn. Có khá nhiều bài roi được truyền lại đến ngày nay do nhiều võ đường và gia tộc ở Bình Định được lưu giữ truyền dạy từ đời này sang đời khác như các bài roi Thái Sơn, Thất Bộ, Bát Quái, Tứ môn, Ngũ Môn với lối đánh linh hoạt uyển chuyển lúc thủ mạnh mẽ quyết liệt lúc công với nhiều thế đánh hiểm hóc.
Được các thế hệ tiền nhân trên đất Tây sơn tạo dựng có nhiều đóng góp bổ sung của nhiều danh tướng trong đó có Tây Sơn Tam kiệt và các các võ tướng nhà Tây Sơn, cho dù Nhà Nguyễn cấm vận và trừng trị nghiêm người học võ Tây Sơn, Bình Định khiến nhiều bài võ bị thất truyền nhưng dân gian vẫn lưu giữ được ít nhiều.
Khi bảo tàng quang Trung được thành lập năm 1979, đội nhạc võ của bảo tàng đã đi thu thập học hỏi xây dựng được 9 môn binh khi để biểu diễn cho du khách. Đến nay đã biểu diễn được 12 môn trong số 18 môn binh khí – thập bát bang, trong đó có nhiều bài võ tương truyền do các tướng lĩnh nhà Tây Sơn sáng tạo và truyền dạy cho tướng sĩ. Trong binh khí Thập Bát Bang bồ cào là vật thường dùng trong nhà nông, nhưng trong sự sáng tạo của cha ông bồ cào trở thành thứ binh khí lợi hại, Phép đánh Bồ cào tương tự Côn pháp nhưng với tri thức dùng sức mạnh để bổ, giáng những đòn sấm sét hoặc kéo ngã đối phương.
Kiếm là binh khí được tôn xưng là vua của loại binh khí có lưỡi. Đây là binh khí phù hợp nhất bởi thế linh hoạt cả công lẫn thủ trong giao tranh trong trận chiến
Hầu hết các võ sĩ Nhà Tây Sơn ngoài binh khí sở trường đều thành thạo kiếm thuật, đặc biệt nữ tướng Bùi Thị Xuân và đội nữ binh trên 2000 người đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trên chiến trường.
Tuy không nằm trong binh khí Thập Bát Bang nhưng võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định lưu truyền được một số bài võ khí đặc thù. Cây chĩa là vật dụng quen thuộc của ngư dân Bình Định thường dùng để đánh bắt cá nhưng khi sử dụng để chiến đấu nó trở thành binh khí độc đáo. Cách đánh chĩa tương tự cách đánh roi trong các tác đỡ, gạt, song gần hơn cách đánh thương dùng ưu thế đầu nhọn của cây chĩa để đâm tạo nên các đòn thế lợi hại.
Một trong những bài Binh khí nổi danh tương truyền do nữ tướng Bùi Thị Xuân sáng tạo nên là Song Phượng Kiếm. Năm canh dần 1770 trong một lần huấn luyện đội tượng binh, Bùi Thị Xuân nhìn thấy đôi chim phượng cùng nhau bay lượn . Từ thế dáng của đôi chim phượng này bà ngộ vào kiếm pháp và hình thành nên những thế đánh ảo diệu , Song Phượng Kiếm được Bùi Thị Xuân truyền dạy cho nhiều nữ binh trong đó có 4 người thành danh cùng với bà trở thành Tây Sơn Ngũ Phụng Thư đó là Bùi Thị Nhạn vợ Hoàng Đế Quang Trung, Trần Thị Lan vợ đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Thị Dung vợ tướng Trương Đăng Đồ và Nguyễn Thị Cúc một nữ tướng dưới trướng Bùi Thị Xuân.
Bài Song Phượng Kiếm hiện được lưu truyền rộng rãi trong võ học cổ truyền Bình Định.
Thương thuộc nhóm binh khí dài trong Thập Bát Bang binh khí, có khả năng sát thương lớn nên được nhiều võ tướng sử dụng, võ cổ truyền Bình Định có nhiều bài thương nổi tiếng như: Thương, Động lư Thương, Bách Thế trường thương trong đó bài Nghiêm thương do Nguyễn Huệ sáng tạo nên vào năm 1771 để thao luyện quân sĩ. Bài Nghiêm thương truyền đến ngày nay có 8 câu hiệu, có khả năng công phá nhiều loại binh khí, phối hợp tác chiến
Đây là di sản vô cùng quý giá được Bảo Tàng Quang Trung cùng nhiều môn phái Võ cổ Truyền Việt Nam trân trọng lưu giữ và bảo tồn.
Với những chiến công vang dội hào hùng trong lịch sử dân tộc, và là vị minh quân luôn coi trọng chiêu hiền đãi sĩ, phát triển kinh tế, giáo dục chính trị qua chiếu khuyến nông, Chiếu khuyến Học, Chiếu cầu lời nói thẳng, … đã tạo nên nền tảng vững chắc xây dựng đất nước hùng mạnh.
Giai đoạn nhà Nguyễn cầm quyền thẳng tay đàn áp tận diệt những tướng lĩnh Nhà Tây sơn người dân Kiên Mĩ vẫn góp công góp của xây dựng ngôi Đình Làng trên nền nhà Tây Sơn Tam Kiệt, thờ Thành Hoàng Làng chỉ trên danh nghĩa, còn thực chất là thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Điều này cho thấy kính ngưỡng của nhân dân đối với những người anh hùng. Ban tế lễ ngày đó gồm chánh bái và phó bái có tuổi cao đức trọng được nhân dân trong vùng kính phục.
Việc tổ chức lễ tế diễn ra vào rằm tháng 11 âm lịch ngụy trang bằng lễ cúng cơm mới chỉ mật cáo, không có văn tế.
Từ năm 1958 nhân dân tiếp tục góp công góp của xây điện thờ trên chính ngôi điện cũ đặt là Tây Sơn Điện. Việc thờ cúng từ đó được tiến hành công khai. Hàng năm tổ chức lễ giỗ ba anh em nhà Tây sơn vào rằm tháng 11 âm lịch gọi là Kị Hiệp và lễ mừng Chiến Thắng Ngọc Hồi Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết, ngày Kị Quang Trung vào 29 tháng 7 âm lịch. Trong các ngày này bảo tàng Quang Trung cùng ban nghi lễ điện thờ long trọng tổ chức cúng theo nghi thức truyền thống. Ban tế gồm chánh bái, phó chánh bái và các học trò ra lễ đúng như nghi thức ở làng cũ. Tế lễ được tổ chức trang nghiêm và có đọc văn tế.
Quang Trung Nguyễn Huệ Một trong những vị Hoàng Đế được kính ngưỡng nhất trong lịch sử dân tộc mãi mãi là niềm tự hào của quê hương Bình Định và non nước Việt Nam.
Golden Life Travel Media Team
Mời bạn tham khảo Daily Tour Quy Nhơn/ Tour trong ngày của Golden Life Travel tại : Chùm Tour Quy Nhơn Hàng ngày.
Gọi Hotline: 1900 599946 để được tư vấn và Đặt tour
Tìm hiểu về Golden Life Travel – Công ty Lữ hành uy tín Việt Nam, Since 2008