Đất nước bị chia cắt thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh từ năm 1600.
Sông Gianh trở thành ranh giới chia nước Việt làm đôi: Đàng Trong của các Chúa Nguyễn và Đàng Ngoài thuộc các Chúa Trịnh.
Ở Đàng Trong vào thế kỉ XVI các đô thị phát triển thương cảng hàng hải; Hội An – Quảng Nam, cảng Thanh Hà – Huế, Cảng Nước Mặn – Qui Nhơn. Trong đó Hội An và Nước Mặn gắn với lịch sử truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam.
Ngày 23 tháng 1 năm 1576 giáo phận Macao được thành lập gồm Nhật Bản , Macao, Trung Hoa, Việt Nam, Cambodia, Thái Lan. Thời bấy giờ các giáo sĩ Dòng Tên có một trung tâm được thành lập tại Macao ( 1564 – 1565 ).
Nam 1611 tỉnh Dòng Tên Nhật Bản được thành lập, vùng hoạt động bao gồm Macao lúc bấy giờ. Ngay từ đầu mục tiêu truyền giáo của Macao là Trung Hoa và Nhật Bản. Các nước nhỏ trong khu vực hầu như bỏ ngỏ cho các dòng khác.
Từ cuối thế kỉ XVI một số đoàn thừa sai của các dòng khác như Phanxico Tây Ban Nha, Augustino, Đa Minh theo các thương thuyền đã đến Hội An, Thuận Hóa. Các thừa sai này chủ yếu chủ yếu làm linh hướng cho các thủy thủ chứ việc truyền giáo chưa bén rễ được.
Từ năm 1615 khi các thừa sai Dòng Tên đến Đàng Trong có hệ thống tổ chức và liên tục. Các hoạt động truyền giáo được ghi lại và báo cáo thường niên về Macao nên có chứng cứ và tài liệu đầy đủ cho quá trình nghiên cứu và chứng minh sau này.
Ngày 27 tháng 1 năm 1614 ở Nhật Bản có sắc lệnh cấm Đạo, các thừa sai bị trục xuất , thừa sai Dòng Tên ở Nhật về Macao. Macao cũng lúng túng vấn đề nhân sự.
Lúc này các thương gia Bồ Đào Nha, như ông Ferdinand da Costa trình bày với bề trên tỉnh dòng về hoàn cảnh Kito Nhật đang tá túc ở Đàng Trong, môi trường thuận lợi cho việc truyền giáo ở Đàng Trong. Thời bấy giờ việc thương mại giữa Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản ở Hội An khá sầm uất. Chúa Nguyễn cho các thương gia Trung Hoa và Nhật Bản quy tụ thành hai khu riêng biệt tại Hội An, được tổ chức theo luật lệ và phong tục của mỗi nước.
Từ đó bề trên Dòng Tên tại Macao cử một đoàn thừa sai đến Đàng Trong, linh mục Buzomi được phân làm trưởng đoàn.
Mối quan hệ thương mại của Chúa Nguyễn có phần ưu ái với Nhật bản. Một số Kito giáo là thương nhân Nhật Bản đã đến Hội An qua mối quan hệ thương mại Việt – Nhật.
Alexandre de Rhodes có viết: ‘ Hoàng Đế Nhật đã nghiêm khắc cấm mọi công dân phải bỏ hết thương mại vì biết có rất nhiều giáo dân. Kể từ năm 1614 bắt đầu có sắc lệnh cấm đạo họ lũ lượt bỏ đi nhất là vào mùa Chay, và cả mùa này nữa. Mỗi năm ba hay bốn lần, để được xưng tội với các Linh Mục biết nói tiếng Nhật và rước lễ, và mỗi lần có tới ba hay bốn chiếc tàu. Họ tự do đi, lấy cớ buôn bán. Và cứ thế gần mười năm nay họ tiếp tục và rất được mãn nguyện và an ủi về thiêng liêng “.
Các thừa sai Dòng Tên ở Macao sãn sàng lên đường. Nhờ thương thuyền của ông Ferdinand da Costa, ngày 18 tháng 1 năm 1615, đoàn truyền giáo Dòng Tên tới Cửa Hàn – Đà Nẵng
CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN THÀNH LẬP CƯ SỞ TRUYỀN GIÁO TẠI ĐÀNG TRONG
Đoàn thừa sai đến Cửa Hàn vào ngày 18/1/1615 Gồm:
- Linh mục Francesco Buzomi, người Ý, trưởng đoàn. Ông rời Đàng Trong năm 1638
- Linh mục Diego Carvalho , người Bồ Đào Nha, rời Đàng Trong năm 1616
- Tu Huynh Antonio Diaz, người Bồ Đào Nha, rời Đàng Trong năm 1639
Mục đích đầu tiên đến Đàng Trong là để phục vụ nhu cầu tôn giáo của các tín hữu Nhật kiều ở Hội An và các thương nhân Bồ Đào Nha ở cửa Hàn.
Chúa Nguyễn bố trí cho các Nhật Kiều ở Hội An, do linh mục Carvalho phục vụ.
Chúa Nguyễn chỉ cho các thương nhân Bồ Đào Nha ở tạm cửa Hàn chứ không cho lập Thương điếm ở Hội an: Linh mục Buzomi và tu huynh Antonio Diaz phục vụ.
Vì vậy Cửa Hàn là nơi thường trú của Buzomi. Ngài không chỉ ở Cửa Hàn, còn lên Dinh Chiêm, nơi chúa Nguyễn Hoàng đặt dinh trấn Quảng Nam. Lúc đầu Buzomi lập một nhà thờ tại Cửa Hàn, sau đó Ngài được bà Gioanna, một quý tộc tân dòng giúp linh mục làm nhà ở và nhà thờ tại Dinh Chiêm.
Linh mục Buzomi nhận thấy cơ duyên có thể truyền giao cho dân trong vùng, cơ duyên này là tin tốt lành được gửi về báo cho bề trên tỉnh dòng tại Macao.
Sau đó bề trên nhà dòng ở Macao cử các thừa sai tiếp tục đến Đàng Trong, gồm:
- Linh mục Francisco de Pinna , người Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong năm 1617, mất tại Đàng Trong 1625.
- Linh mục Cristoforo Borri, người Ý, 1618 – 1622
- Linh mục Pedro Marques, người Bồ Đào Nha, 1618 -1665. Từ 1627 – 1663 ra vào Đàng Trong nhiều lần, và làm bề trên cộng đoàn nhiều lần.
Mặc dù các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến là Cửa Hàn, làm nhà ở và nhà thờ tại Cửa Hàn và Dinh Chiêm, nhưng theo các bản báo cáo thường niên của các thừa sai và các sử liệu liên quan khác đều không thấy các họat động ở Đàng trong từ 1615 -1617. Chưa thấy đề cập về việc có một cư sở tại Đàng Trong theo hiến pháp của Dòng. Năm 1616 linh mục Carvalho được gọi về Macao.
Có một sự kiện vào mùa thu 1616 trời hạn hán, không có nước làm mùa, nạn đói đe dọa. Dân chúng cho rằng trời hạn hán do các vị thần nổi giận vì thấy nhiều người bỏ đạo cũ theo đạo mới, để đền miếu hoang vắng, muốn làm cho các vị thần nguôi giận thì phải đuổi các giáo sĩ Phương Tây về xứ.
Dân chúng yêu cầu Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trục xuất các giáo sĩ thừa sai.
Chúa Nguyễn một mặt muốn thừa sai ở lại để đảo bảo việc liên lạc thương mại với người Bồ Đào Nha một mặt lại muốn trấn an dân chúng, nên mời các thừa sai đến và thông báo ý định của mình.
Đoàn thừa sai bấy giờ gồm linh mục Fancisco de Pinna, tu huynh và Buzomi, vào đầu tháng 6 năm 1617 đã xuống thuyền nhưng thuyền không thể xuất bến vì gặp gió ngược. Các thừa sai phải lên bờ nhưng dân chúng không cho vào làng, đành phải sống lẩn lút trong các cánh đồng đầy nắng gió gần biển. Linh mục Buzomi ngã bệnh, sưng phổi, mụt nhọt trên ngực mưng mủ.
May mắn các thừa sai được ông tuần phủ Qui Nhơn Trần Đức Hòa, nghĩa đệ của Chúa Sãi giúp đỡ. Nghe tin các thừa sai đang phải trốn tránh khổ sở, ông hứa khi có việc ở phủ chúa khi về sẽ đón các linh mục về Quy Nhơn. Ông đưa Buzomi về qui Nhơn, và mời thầy thuốc danh tiếng đến chữa bệnh cho linh mục. Linh mục đưa theo thầy Diaz người Bồ và chú Augustino người Việt, còn linh mục Pina và tu huynh người Nhật được các giáo dân Nhật bí mật đưa về Hội An.
Trong tường thuật của linh mục Borri về sự cố xảy ra ở Cửa Hàn 1617, lúc đó các nhà thờ ở Cửa Hàn, nhà ở của các Thừa sai bị dân chúng đốt sạch. Các thừa sai phải xuống thuyền rời khỏi Cửa Hàn theo lệnh của Chúa Sãi.
Giai đoạn đầu 1615-1617 là giai đoạn tham dò nhưng đã gặp phải một số sự cố bị trục xuất, tình hình chưa ổn định, do đó việc thành lập cư sử theo hiến pháp của Dòng chưa được thực hiện. Cửa Hàn lúc này chỉ là nơi trú sở của các thừa sai. Các thừa sai từ Cửa Hàn đến Hội An và lên Dinh Chiêm để làm mục vụ, và truyền giáo.
Cư Sở Nước Mặn, Qui Nhơn:
Hay tin linh mục Buzomi bị bệnh và các thừa sai gặp nạn, Bề Trên tỉnh dòng ở Macao điều hai thừa sai khác đên giúp là linh mục Pedro Marques gười Bồ, và Cristoforo Borri người ý.
Sau một năm chữa bệnh cho linh mục Buzomi tại Qui Nhơn, năm 1618 Buzomi và ông Trần Đức Hòa trở lại cửa Hàn. Gặp linh mục Borri và Pedro Marques tại Cửa Hàn, ông Trần Đức Hòa đưa các thừa sai về Nước Mặn.
Linh mục Borri, người trong cuộc đã tường thuật: ” Linh mục Buzomi, Linh mục De Pina và tôi, chúng tôi bỏ Hội An để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng cho một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến… tới đâu ông cũng cho tổ chức trò chơi và hội hè cho dân chúng, khi thì cho đấu chiến thuyền, lúc thì cho đua thuyền. đặt giải thưởng cho chiến thuyền nào thắng cuộc… Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Qui Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày nữa mới tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú. Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới, tất cả đều đã sãn sàng. Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được đón tiếp và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc linh đình. Rồi sau cùng chúng tôi tới tư dinh… Chính ông, bà vơ và con cái ông săn sóc chúng tôi, ăn chung với chúng tôi, làm cho cả dinh đều bỡ ngỡ. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì ông rất quý chuộng chúng tôi, và ông đã buồn phiền khi phải xa chúng tôi. Thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo lời chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi. Ngày hôm sau ông thân hành đến thăm chúng tôi và kiểm tra xem người ta có sửa soạn nhà chúng tôi tươm tất và thuận lợi không. Ông còn nói với chúng tôi rằng chúng tôi là người ngoại quốc không có nhiều tiền bạc, không có nhiều của cải, không có đủ sự cần dùng, nên ông nhận cung cấp cho chúng tôi mọi sự cần thiết… ”
Đây là đoàn thừa sai chính thức đến Nước Mặn để tiến hành công cuộc truyền giáo tại Qui Nhơn, và linh mục Buzomi đến Nước Mặn trước đây chỉ là để chữa bệnh.
Tháng 7 năm 1618, quan Trấn thủ dựng cho các thừa sai một ngôi nhà gỗ rộng rãi và một ngôi nhà nguyện lớn ở Nước Mặn. Vậy Nước Mặn trở thành cư sở đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong, mặc dù các Ngài đã đến Cửa Hàn trước đó 3 năm từ 1615.
Cư sở Nước Mặn là cư sở đầu tiên được các thừa sai Dòng Tên thành lập tháng 7 năm 1618. Từ 1618 -1620, các thừa sai hoạt động tại Nước Mặn có: Linh mục Buzomi, linh mục De Pina, linh mục Borri, và tu huynh Diaz. Linh mục Buzomi là bề trên của cư sở.
Trong báo cáo thường niên vào 1618, Hội An được nhắc đến như một cộng đoàn thuộc quyền linh mục Buzomi, bề trên cư sở Nước Mặn.
Trong báo cáo thường niên 1619 do linh mục Joao Rodrigues Girao viết tại Macao ngày 20/12/1620, sau mục giới thiệu tổng quát về Đàng trong, có mục báo cáo riêng về mỗi cư sở: Cư sở Hội An và Cư sở Nước Mặn. Như vậy chứng tỏ cư sở Hội An được thành lập vào cuối 1619, sau khi ông Trần Đức Hòa qua đời, nghĩa là sau khi De Pinna từ Nước Mặn về lại Hội An. Linh mục Marques là bề trên tiên khởi của cư sở. Năm 1619, linh mục Marques rửa tội cho 40 Nhật kiều và dựng cho họ một nhà nguyện – Là nhà nguyện đầu tiên ở Hội An và là nhà nguyện thứ tư tại Đàng Trong được các thừa sai Dòng Tên thiết kế xây dựng từ khi các ngài đến Đàng Trong.
Như vậy trước 1619, Hội An chưa có nhà thờ và cũng chưa có nhà ở chính thức cho các thừa sai Dòng Tên. Linh mục Leopold Cadiere cũng đề cập đến việc này:” Các thừa sai đầu tiên, đặc biệt là cha Francisco de Pina và cha Marques, cư trú tại Hội An, có thể nói là liên tục, nhưng không nhắc đến nhà thờ, hoặc một nhà ở riêng biệt của các cha tại nơi này. Các ngài phải cư ngụ tại nhà các người Nhật. Do đó cư sở Hội An cũng không thể có trước thời điểm đầu năm 1619.
Đầu năm 1620 địa bàn truyền giáo Đàng Trong được chia làm hai vùng do hai nhóm thừa sai hai cư sở phụ trách: Địa bàn cư sở Nước Mặn gồm 3 tỉnh phía Nam của Đàng Trong: Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên dưới sự lãnh đạo của bề trên Buzomi. Phía Bắc Đàng Trong do các thừa sai tại cư sở Hội An do linh mục Marques lãnh đạo.
Cư sở Dinh Chiêm, Quảng Nam
Theo báo cáo thường niên 1624 cho biết Linh mục Alexandre De Rhodes và linh mục Fonte đã học tiếng Việt từ cha Pina tại Dinh Chiêm, Quảng Nam.
Trong thư báo về bề trên tại Macao của linh mục Pinna về hoạt động truyền giáo ở Dinh Chiêm năm 1622 – 1623, có nói đến ở sở này: ‘…Thưa cha đáng kính, con đã mua hai ngôi nhà của mẹ bà Gioanna tại Cacham, mỗi nhà 3 gian mỗi nhà dành cho chúng ta ở, nhà kia làm nhà nguyện… ” Căn cứ thư này, linh mục Đỗ Quang Chính cho rằng: ” Việc thiết lập cư sở ở Dinh Chiêm được thực hiện 5 năm sau cư sở Nước Mặn. Tuy mục Manoel Fernandes viết tại Faifo ( Hội An ) ngày 2 tháng 7 năm 1625 gửi cho linh mục Nuno Mascarenhas, bề trên của Dòng: ” … Một nhà đã được lập tại Cachao, thủ phủ của chúa. Cho đến lúc này, chieus theo luật của nhà Dòng, nhà này không được tính vào số các nhà [ Casa-Residentia] của Dòng, mặc dù một cha và người bạn dòng của ngài luôn ở đó. Tại nhà này cha Francisco de Pina dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ và cha Antonio de Fontes
Theo báo cáo thường niên 1625 do linh mục Gaspar Luiz viết tại Nước Mặn , đề ngày 1thangs 1 năm 1625, tại Đàng Trong có ba cư sở: Hội An, Dinh Chiêm, và Nước Mặn.
Theo Luật Dòng cư sở Dinh Chiêm được thành lập 1625, vào thời điểm sau ngày 2 tháng 7 năm 1525, tức sau ngày linh mục Manoel Fernandes viết thư báo cáo cho linh mục Nuno Mascarenhas, bề trên của Dòng.
Tham khảo: Một số vấn đề về Chữ Quốc Ngữ